Liên kết website

Thống kê truy cập

Thông tin tuyên truyền

Tích cực truyền thông để cải tạo, bài trừ tập tục lạc hậu trong đồng bào các dân tộc thiểu số

31/03/2022 08:17 86 lượt xem

BHG - Với 87% dân số là người dân tộc thiểu số (DTTS), hầu hết các dân tộc Hà Giang đều có tiếng nói riêng và được đồng bào sử dụng thuần thục trong giao tiếp hàng ngày; một số dân tộc có tỷ lệ dân số đông như Mông, Tày, Dao, Nùng, thì ngôn ngữ của họ trở thành tiếng phổ thông giao tiếp trong khu vực.

Tích cực truyền thông để cải tạo, bài trừ tập tục lạc hậu trong đồng bào các dân tộc thiểu số
Buổi học hát Then, đàn Tính tại Câu lạc bộ “Truyền dạy văn hóa truyền thống” của học sinh Trường Tiểu học xã Bằng Lang. Ảnh T.L

Hiện nay, Trung tâm sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Giang mới phổ biến sử dụng 3 thứ tiếng Tày, Mông, Dao để tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào DTTS; Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Du lịch cấp huyện tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị song ngữ tiếng phổ thông và tiếng DTTS tại địa bàn. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 5.1.2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về đưa kỹ năng sống và văn hóa truyền thống các DTTS vào giảng dạy trong các trường học trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã phát huy hiệu quả tích cực, thông qua các lớp: Truyền dạy kỹ năng thổi, múa và nghề chế tác khèn Mông; dạy bí quyết thực hành di sản lễ hội của các dân tộc; truyền nghề liên quan đến tín ngưỡng, tâm linh… Trong quá trình truyền đạt, thể hiện rõ quan điểm, thái độ đối với các tập tục lạc hậu cần cải tạo xóa bỏ, nhằm giáo dục, định hướng đúng đắn cho học sinh, lớp trẻ nhận diện, phân biệt rõ phong tục tập quán tốt đẹp cần phát huy, gìn giữ và những tập tục lạc hậu cần đấu tranh cải tiến, xóa bỏ; ngành văn hóa đã chủ động xây dựng một số ấn phẩm văn hóa bằng song ngữ, đáp ứng nhu cầu thông tin văn hóa, giải trí của đồng bào dân tộc... 

Tuy nhiên, hiện nay những DTTS có số dân ít như Pu Péo, Lô Lô, Cờ Lao, Bố Y, Pà Thẻn, Phù Lá, La Chí chưa được biên dịch ra tiếng dân tộc trong tuyên truyền; trên tuyến biên giới, đồng bào sử dụng rất nhiều ấn phẩm văn hóa bằng tiếng dân tộc của Trung Quốc, phổ biến là ấn phẩm bằng tiếng Mông và tiếng Hoa, chủ yếu là phim, video ca nhạc; vùng giáp biên giới đồng bào còn thu được sóng truyền thanh, truyền hình địa phương của Trung Quốc, vấn đề này tiềm ẩn nhiều nguy cơ liên quan đến an ninh dân tộc, tôn giáo vùng biên giới...

Vấn đề cải tạo, bài trừ các tập tục lạc hậu là vấn đề lâu dài, cần tăng cường các giải pháp về truyền thông tích cực, trong phạm vi bài viết, tác giả xin nhấn mạnh một số giải pháp:

Truyền thông bằng thông điệp hành động: Mỗi nội dung tuyên truyền phải tìm “thông điệp”, “từ khóa” mấu chốt của vấn đề, để khi tuyên truyền người dân thấy dễ nghe, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ chấp nhận, dễ làm theo. Đối với vấn đề tuyên tuyền cải tiến, xóa bỏ tập tục trong đồng bào DTTS, tùy từng địa phương, dân tộc và tập tục để xây dựng thông điệp cho phù hợp. Nội dung này, học tập huyện Hoàng Su Phì, để truyền thông phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, huyện đã xây dựng một pa-nô to, đặt trên trục đường chính vào huyện với nội dung “Thanh niên huyện Hoàng Su Phì nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết”. 

Đa dạng hóa các hình thức truyền thông: Sử dụng hiệu quả hình thức tuyên truyền miệng, thực tế cho thấy tuyên truyền trực tiếp, đối thoại ở vùng DTTS phù hợp và hiệu quả hơn so với tuyên truyền gián tiếp. Thông qua các hình thức họp thôn, tổ chức tuyên truyền chuyên đề, tuyên truyền cho các nhóm nhỏ, phổ biến kiến thức, giải đáp thắc mắc về các vấn đề kết hợp với sinh hoạt văn hóa văn nghệ, trao đổi công việc của thôn là cách làm phù hợp, nhẹ nhàng, dễ tiếp cận, tiếp thu. 

Tăng cường hình thức truyền thông sân khấu hóa, có sự tham gia của cộng đồng, người dân.  Truyền thông sân khấu hóa là hình thức tuyên truyền sống động, ở đó mỗi chi tiết đều được người tham gia thể hiện bằng tình cảm, thái độ rõ ràng, để người xem đồng tình ủng hộ cái tốt, tỏ thái độ rõ ràng phê phán cái xấu, góp phần định hướng lại bộ phận người dân còn chưa nhận thức rõ, hoặc đang lệch chuẩn vấn đề tuyên truyền. 

Tổ chức tốt các mô hình dân vận khéo, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật: Đây là một hình thức truyền thông trực tiếp, có sự tham gia của người dân, tạo nhiều sân chơi cho đồng bào thông qua tổ chức các cuộc thi, các chương trình giải trí... Ngành thông tin truyền thông phối hợp với ngành nông nghiệp, Hội Nông dân, khuyến nông, khuyến lâm tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi giỏi trong cộng đồng; phối hợp với ngành giáo dục tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, truyền thống, bảo vệ môi trường cho học sinh phổ thông các cấp; phối hợp với các ngành văn hóa, du lịch, Đoàn thanh niên tổ chức các cuộc thi giao lưu biểu diễn nghệ thuật, tìm hiểu về văn hóa, du lịch. 

Tạo điều kiện cho đồng bào tham quan học tập kinh nghiệm những mô hình tốt, cũng như được chứng kiến những hệ lụy do hành vi tập tục gây ra. Huyện Xín Mần những năm trước đây người dân thường xuyên mua thuốc diệt cỏ của Trung Quốc để diệt cỏ trên đất canh tác, lãnh đạo huyện đã nhiều lần tuyên tuyền, cảnh báo hệ quả của việc dùng thuốc diệt cỏ, có chứa chất điôxin, nhưng người dân không nghe. Trước thực trạng đó, UBND huyện đã đưa một đoàn đại biểu có uy tín ở các thôn có hộ dân đang sử dụng thuốc diệt cỏ, đi thăm Trung tâm Chăm sóc nuôi dưỡng và Điều trị nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin thành phố Hà Nội, có trụ sở tại thôn Muỗi, xã Yên Bài, huyện Ba Vì, sau chuyến tham quan, chứng kiến các nạn nhân, người dân huyện Xín Mần đã nhận thức rõ tác hại của thuốc diệt cỏ, từ đó hạn chế được việc sử dụng. 

Sử dụng hiệu quả các báo, tạp chí: Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đến công tác truyền thông đối với đồng bào DTTS. Trong nhiều năm qua, ngoài các báo, tạp chí nói chung, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về việc “cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn”, gần đây nhất là Quyết định 45/QĐ-TTg cho giai đoạn 2019 - 2021 với sự vào cuộc của 19 báo, tạp chí.

Nắm bắt và sử dụng hiệu quả phương tiện mạng xã hội: nắm bắt và sử dụng hiệu quả mạng xã hội cho công tác truyền thông đến đồng bào DTTS là một giải pháp hữu hiệu. Mạng xã hội giúp người làm truyền thông có thể kết nối trực tiếp, đồng thời, nhận được các nhận xét, và trao đổi ý kiến với khán, thính giả về các chủ đề đang truyền thông. Đồng thời giúp cập nhật thông tin về các chương trình truyền thông và tương tác ngay tại hiện trường khi truyền thông sự kiện; khi đang phát sóng chương trình phát thanh, truyền hình. Định hướng tốt thì đây là những trang hữu ích cho công tác truyền thông tới cộng đồng, vừa bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, mặt khác bài trừ các tập quán chưa đẹp, tốn kém và ảnh hưởng xấu đến cuộc sống người dân.

Phát huy vai trò của nhà trường: Toàn tỉnh với 823 cơ sở giáo dục, trên 254 ngàn học trẻ mầm non, mẫu giáo, học sinh phổ thông và bổ tục văn hóa; 13 trường Phổ thông dân tộc nội trú và 182 trường Phổ thông dân tộc bán trú; 18.358 cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, nhân viên. Với số lượng giáo viên và học sinh đông đảo, Vì vậy, muốn xây dựng thành công đời sống văn hóa văn minh trong đồng bào DTTS phải chú trọng giáo dục văn hóa trong nhà trường, bởi truyền dạy văn hóa truyền thống các dân tộc trong trường học sẽ góp phần rèn luyện nhân cách học sinh người DTTS về chuẩn mực đạo đức, lối sống theo đúng tập quán tộc người, định hướng hoàn thiện hình ảnh bản thân, trở thành những người con ưu tú của đồng bào; đặc biệt là qua đó học sinh tuyên truyền hàng ngày đến người thân trong gia đình.

Củng cố xây dựng mạng lưới cán bộ truyền thông người DTTS: Vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh rất rộng, giao thông khó khăn, để chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân, ngoài các phương tiện truyền thông, đội ngũ cán bộ tuyên truyền cơ sở giữ vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm xây dựng mạng lưới cán bộ truyền thông người DTTS, mạnh về cả chất lượng và số lượng.  

Cải tạo, xóa bỏ tập tục lạc hậu là vấn đề nhạy cảm, khó khăn. Về tâm lý, mỗi cá nhân, cồng động đều luôn cho rằng mọi việc làm trong cuộc sống của mình là “hợp lý, đúng đắn”, không ai muốn bị phê bình, chỉ trích cộng đồng mình còn tập tục lạc hậu. Do đó, để công tác tuyên truyền cải tiến, giảm thiểu, xóa bỏ tập tục lạc hậu đi vào thực chất, góp phần thực hiện thành công phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, cần thiết kết hợp đồng bộ các giải pháp truyền thông tích cực; đặc biệt xây dựng được mạng lưới cán bộ truyền thông là người DTTS, để những vấn đề tồn tại của cộng đồng dân tộc, do chính họ tự nói ra và giải quyết.

baohagiang.vn

Tin khác